Nguyên nhân thiếu máu ở trẻ em xuất phát từ nhiều yếu tố. Nếu không kịp thời phát hiện và tìm ra nguyên nhân để điều trị, thì bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này ở trẻ nhỏ, cha mẹ có thể tham khảo qua những thông tin hữu ích trong bài viết này.
Tình trạng thiếu máu ở trẻ nhỏ là như thế nào?
Trẻ bị thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu trong cơ thể bé thấp hoặc nồng độ Hemoglobin thấp. Khi bé đang bị thiếu máu, cơ thể sẽ xuất hiện một số dấu hiệu phổ biến như sau:
- Màu sắc da nhợt nhạt, dễ bị tím tái. Vùng da xanh xao nhất là ở những vị trí như lòng bàn tay và bàn chân, khu vực xung quanh vành tai, kết mạc mắt, niêm mạc họng.
- Nhịp tim của bé không đều, trẻ hay hụt hơi và khó thở thường xuyên.
- Bé dễ bị mệt mỏi khi hoạt động, thiếu năng lượng, dễ buồn ngủ.
- Trẻ chậm chạp, khó tập trung.
- Tâm trạng của trẻ dễ thay đổi và cáu gắt, khó chịu.
- Nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, nhất là khi đứng.
- Bé bị sụt cân nhanh.
- Thời gian lành các vết thương chậm hơn bình thường.

Nhìn chung, các dấu hiệu thiếu máu ở trẻ tương tự như một số triệu chứng của những bệnh lý khác. Vì thế, khi trẻ có những dấu hiệu trên, phụ huynh nên cho bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân thiếu máu ở trẻ em là gì?
Tế bào hồng cầu trong máu được sản sinh từ tủy xương. Vòng đời của một tế bào hồng cầu sẽ kéo dài khoảng 120 ngày. Khi số lượng hồng cầu già và chết đi, tủy xương sẽ có nhiệm vụ sản xuất ra tế bào hồng cầu mới để bổ sung vào. Chính vì thế, nguyên nhân thiếu máu ở trẻ sẽ xuất phát từ các yếu tố có liên quan đến hoạt động của tủy xương hoặc hồng cầu. Dưới đây là các nguyên nhân thiếu máu thường gặp ở trẻ em:
Thiếu máu do thiếu chất sắt
Nguyên nhân thiếu máu do thiếu chất sắt rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia sức khỏe, khi cơ thể thiếu hụt chất sắt sẽ không thể tự sản sinh ra Hemoglobin, ảnh hưởng tới quá trình tái tạo hồng cầu. Tế bào hồng cầu giữ vai trò giống như một “phương tiện vận chuyển” oxy đến các cơ quan và đưa CO2 từ những cơ quan này trở về phổi để đào thải ra ngoài.

Tình trạng thiếu máu do thiếu chất sắt có thể xuất phát từ chế độ ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng hoặc do cơ thể trẻ không hấp thụ chất sắt. Trong trường hợp do thiếu hụt dinh dưỡng, cha mẹ có thể bổ sung thêm cho bé các thực phẩm giàu chất sắt vào bữa ăn hàng ngày như rau bina, rau chân vịt, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám,… Hoặc dùng thêm thực phẩm chức năng bổ máu như mật táo đỏ, viên uống bổ sung chất sắt,.. Nếu nguyên nhân xuất phát từ lý do cơ thể không hấp thụ sắt, thì cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị.
Thiếu máu do hồng cầu hình liềm
Như đã nói ở trên, chu kỳ của một tế bào hồng cầu sẽ kéo dài trong 120 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tế bào hồng cầu sẽ có vòng đời ngắn hơn con số này. Số lượng hồng cầu chết đi nhiều hơn số lượng được sản sinh ra sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu. Một trong những yếu tố khiến hồng cầu dễ bị vỡ là do chúng không có hình dạng tròn như bình thường mà sẽ bị biến đổi thành hình liềm hoặc mặt trăng khuyết.
Các tế bào hồng cầu có hình dạng bất thường này khi đi vào các mao mạch nhỏ sẽ dễ bị mắc kẹt, dẫn đến bị vỡ hoặc ngăn không cho lưu lượng máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đi tới các bộ phận trong cơ thể. Các tế bào hồng cầu hình liềm có chu kỳ kéo dài chỉ từ 10 ngày đến 20 ngày. Thời gian này, cơ thể không kịp tái tạo tế bào hồng cầu mới nên sẽ dễ dẫn đến sự thiếu hụt hồng cầu và thiếu máu.
Thiếu máu do mất máu nhiều
Một trong những nguyên nhân thiếu máu ở trẻ nhỏ là do bị mất máu nhiều. Nếu bé bị đứt tay, chảy máu mũi, chảy máu chân răng,.. thì tủy xương vẫn sẽ kịp thời tái tạo số lượng máu đã mất đi để bù đắp lại. Thế nhưng, trong trường hợp trẻ bị mất máu nhiều do chấn thương, tai nạn, nôn ra máu,… tủy xương sẽ không thể sản sinh kịp đủ số lượng hồng cầu để bổ sung vào lượng máu đã bị mất đi quá nhiều trước đó. Tình trạng này khi kéo dài sẽ khiến bé bị thiếu máu.

Việc điều trị trình trạng thiếu máu ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Chính vì thế, tìm ra được nguyên nhân thiếu máu là điều vô cùng quan trọng mà các bậc phụ huynh nên chú ý.
Trên đây là những nguyên nhân thiếu máu thường gặp ở trẻ nhỏ mà bạn có thể tham khảo để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh cho bé. Bệnh thiếu máu kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì thế, khi nhận thấy trẻ có khả năng đang bị thiếu máu, cha mẹ nên xây dựng lại thực đơn hàng ngày của bé, bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời đưa trẻ đi gặp bác sĩ sớm để điều trị dứt điểm.